Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, năm 2021 cũng là năm đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, đại dịch Covid 19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động – việc làm. Việc biết và thực hiện tốt các quyền của lao động nữ có ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Bộ luật lao động 2019 (BLLĐ) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều quy định mới liên quan đến quyền của lao động nữ và người chưa thành niên về các quyền của người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tổ chức đại diện của người lao động v.v…Cùng với các đạo luật khác như Hiến pháp, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình v.v…, Bộ luật lao động đã góp phần quan trọng, tạo nên khung pháp lý đồng bộ về quyền của lao động nữ và người chưa thành niên. Để các quyền này được thực hiện hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân trong quan hệ lao động, đặc biệt là lao động nữ, người chưa thành niên cần được tiếp cận và hiểu rõ các quy định này.

Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản, gồm: Công ước số 98 năm 1949 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 100 năm 1951 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau, Công ước số 111 năm 1958 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, Công ước số 138 năm 1973 về tuổi (lao động) tối thiểu, Công ước số 182 năm 1999 về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 29 năm 1930 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, Công ước số 105 năm 1957 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Hầu hết các công ước đều đề cập đến các quyền của lao động nữ và bảo vệ trẻ em, đồng thời được thể chế hóa trong các quy định của Bộ luật lao động năm 2019. Mới đây, ILO đã thông qua Công ước số 190 năm 2019 về chấm dứt bạo lực và quấy rối. Đây là công ước quan trọng, cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng và tiến tới phê chuẩn tại Việt Nam để việc bảo vệ quyền của lao động nữ ngày càng hiệu quả hơn.

Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của lao động nữ tại các doanh nghiệp về chính sách đối với lao động nữ, chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc và phòng ngừa lao động trẻ em thông qua thương lượng, đàm 3 phán và kí kết thỏa ước lao động tập thể, góp phần hỗ trợ lao động nữ chủ động phát hiện các hành vi vi phạm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động khi có tranh chấp lao động xảy ra, đồng thời giảm thiểu những khó khăn người lao động phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch Covid 19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam biên soạn và phát hành cuốn “Cẩm nang về chính sách đối với lao động nữ, phòng chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc và phòng ngừa lao động trẻ em thông qua thương lượng, đàm phán và kí kết thỏa ước lao động tập thể”.

Tài liệu được thiết kế dưới dạng cẩm nang, nhỏ gọn, dễ hiểu, dễ dàng tra cứu, in màu, gồm nội dung và một số hình ảnh minh họa để lao động nữ dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Ban Nữ Công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung tài liệu.

Xem tệp đính kèm: CHINH%20SACH%20LAO%20DONG%20NU.pdf