Dưới sự lãnh đạo của Đông dương cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón - Hà Nội đã tiến hành Đại hội Tổng công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Đại hội đã bầu ra BCH TW do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - UV BCH TW lâm thời của Đông dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội đã thông qua chính cương, Điều lệ, quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của Công hội đỏ.

Ngay sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công hội đỏ trong cao trào 1930-1931 đã có cơ sở mạnh mẽ khắp trong nước và đi đầu trong các cuộc bãi công mở đường cho việc thành lập Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 8-1930, thay mặt Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ định Công hội đỏ Việt Nam cử đại biểu đi dự Đại hội Công hội đỏ quốc tế lần thứ VI ở Mát-xcơ-va. Khi ấy thông qua Công hội đỏ, đồng chí Trần Phú đã đi khảo sát phong trào công nhân Nam Định, Hải phòng, Hòn Gai & để viết bản Luận cương chính trị lịch sử. Được cử làm trưởng ban Công vận trung ương, ngày 20-1-1931 tại Sài Gòn, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã triệu tập Hội nghị công nhân Đông Dương lần thứ I vạch ra phương hướng tổ chức và đấu tranh cho phong trào công nhân và công đoàn.

Trong thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội và đòi tự do cơm áo hoà bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương hàng ngàn cuộc bãi công của nửa triệu công nhân tham gia đã nổ ra liên tiếp ở các thành phố lớn trong cả nước. Đầu năm 1937 công nhân đấu tranh sôi sục đòi quyền tự do lập nghiệp đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn, Vinh & Mặc dù bọn phản động thuộc địa ngăn cản, nhiều nghiệp đoàn vẫn được thành lập và tự do hoạt động, báo chí vẫn tự do xuất bản và công khai tuyên truyền Chủ nghĩa Mác- Lênin. Chưa giành được toàn bộ quyền tự do nghiệp đoàn, công nhân Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội lập các Hội ái hữu ở khắp nơi.

Tháng 9-1939, Đại chiến Thế giới lần thứ II bùng nổ, các tổ chức của công nhân và công bộ công đoàn phải rút vào bí mật.

Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939-1945), Hội công nhân cứu quốc - một lực lượng quan trọng của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhất là ở Bắc và Trung Bộ. Hội công nhân cứu quốc vừa bí mật đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày, vừa tổ chức các đội võ trang làm nòng cốt cho cuộc nổi dậy ở đô thị.

Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân lao động Việt Nam từ chỗ là dân nô lệ mất nước đã đứng lên làm chủ đất nước, chủ xí nghiệp. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà- nhà nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Để thực sự thống nhất về tổ chức công đoàn, Hội nghị cán bộ công nhân cứu quốc họp ngày 20-5-1946 quyết định đổi Hội công nhân cứu quốc thành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Ngày 20-7-1946, tại thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập đánh dấu bước ngoặt của phong trào công đoàn Việt Nam với một tổ chức thống nhất và ổn định thật sự trong cả nước.

Trong 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, Công đoàn Việt Nam  đã thể hiện tính đa dạng và toàn diện. Tổ chức các phong trào thi đua "Tham gia sản xuất vũ khí”, “tăng gia sản xuất tự túc ăn mặc”, động viên công nhân tham gia lực lượng vũ trang, cử cán bộ xuống nghiên cứu tại các xưởng máy, đề xuất với chính phủ nhiều biện pháp cải thiện đời sống vật chất  và tinh thần cho công nhân để phục vụ kháng chiến lâu dài. Những hoạt động ấy đã góp phần tích cực trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc giành thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Công đoàn việt Nam xác định: Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cần nêu cao ý chí cách mạng cùng toàn quân và toàn dân chiến đấu đến cùng chống Mỹ và thắng Mỹ nhằm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, ủng hộ Cách mạng Niềm Nam thống nhất đất nước. Các hoạt động của công đoàn, các phong trào thi đua “Ngày thứ 7 đấu tranh thống nhất nước nhà”, “chắc tay súng, vững tay búa”, “địch đến là đánh , địch đi lại sản xuất”, "Mỗi công nhân là một chiến sỹ kiên cường chống Mỹ”..v.v.

Trong sự nghiệp cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam (1954-1975), công đoàn Việt Nam lớn mạnh vượt bậc. Ngày 14-9-1957, Quốc hội nhất trí thông qua Luật công đoàn qui định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn Việt Nam.

Thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức công đoàn đã động viên CNVCLĐ bước vào xây dựng Đất nước. Thi đua lao động sản xuất thực hành tiết kiệm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, năng xuất lao động không ngừng tăng lên, thường xuyên chăm lo đến quyền và lợi ích cho người lao động, xây dựng và củng cố tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), trong Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ II (tháng 2-1961), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đổi tên thành Tổng công đoàn Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 2-1974, tiến hành đại hội Đại biểu lần thứ III.

Đặc biệt tại Đại hội Công đoàn lần VI, đại hội quyết định đổi tên Tổng công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm xác định rõ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hoạt động công đoàn không thể chú trọng đến đối tượng công nhân- viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà phải mở rộng đến mọi công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để định hướng và xây dựng nền tảng cho hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới, Nhà nước ta đã ban hành Luật Công đoàn được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn 1990; đồng thời các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Công đoàn Việt Nam đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam, và Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013-2018) thông qua. Đại hội lần XI công đoàn Việt Nam đã thành công tốt đẹp, với sứ mệnh lịch sử của mình Công đoàn sẽ tiếp tục là một nhân tố không thể thiếu được trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp công đoàn, cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Giai cấp công nhân có vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của bản thân giai cấp công nhân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó tổ chức công đoàn có trọng trách lớn, góp phần đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Hiện nay trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, đội ngũ công nhân lao động Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn về nhận thức xứ mệnh lịch sử, tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới về tác phong kỷ luật lao động, về sự phân hoá giào nghèo, tính phức tạp trong quan hệ lao động, áp lực của tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, các tệ nạn xã hội... Vì vậy tổ chức công đoàn thông qua hoạt động của mình là nhịp cầu nối liền giữa Đảng với người lao động, là người cộng tác đắc lực với nhà nước, là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Tập hợp tài năng, trí tuệ của giai cấp công nhân, đẩy mạnh phong trào thi đua góp phần xứng đáng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.